Để lý giải việc nhà ở tại khu lõi trung tâm TP.HCM đắt đỏ nhưng vẫn được ưa chuộng, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Nam Phát, cho rằng cần nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Bởi đây là phân khúc thị trường không chỉ chịu tác động từ khả năng tài chính và sở thích cá biệt của giới thượng lưu mà còn cho thấy khoảng cách quá lớn giữa ngoại ô và khu vực lõi trung tâm.
Cũng theo ông Nam, nếu bỏ qua hạn chế lớn nhất là việc giá nhà vùng lõi trung tâm "đắt khủng khiếp", vượt quá xa khả năng chi trả của nhiều người, thì loại tài sản này thực sự có rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Cụ thể, CEO Nam Phát đưa ra 6 lý do để thấy vì sao giá nhà ở trung tâm vô cùng đắt đỏ nhưng vẫn được tầng lớp siêu giàu ưa chuộng và săn lùng:
1. Nhà khu trung tâm là công cụ "tiết kiệm vạn năng"
Trung tâm thành phố là "điểm tập kết" của trụ sở làm việc các cơ quan nên cũng chính là tâm điểm của dòng người cực lớn mỗi ngày đến sở làm việc. Do đó, nếu sống ở ngoại thành bạn chắc chắn sẽ mất thời gian di chuyển trên đường nhiều hơn. Chính khoảng thời gian chết mỗi ngày này là một sự lãng phí cực lớn. Sống ở ngoại thành, làm việc ở trung tâm cũng sẽ khiến bạn phung phí nhiều thứ, từ thời gian, công sức cho đến áp lực, căng thẳng do kẹt xe liên tục trên đường. Đây là lý do vì sao nói rằng có nhà ở trung tâm thành phố cũng là có công cụ tiết kiệm vạn năng.
2. Chất lượng dịch vụ ở khu trung tâm bao giờ cũng cao nhất
Nếu so với ngoại thành thì hầu hết các tiện ích từ trường học, bệnh viện, ngân hàng, trung tâm hành chính, vui chơi giải trí, thương mại... tại trung tâm đều phong phú và chất lượng hơn, thậm chí gấp nhiều lần. Thực tế, các trường học tại trung tâm bao giờ cũng có tiêu chuẩn khá cao so với vùng ven và ngoại thành. Phần lớn trường học các cấp tại trung tâm là những trường tốt đáng mong ước. Đây cũng là lý do các bậc phụ huynh luôn cố gắng hết sức để có được căn nhà ở trung tâm dù giá trị tài sản đắt mấy đi nữa.
Bất động sản khu trung tâm luôn là tài sản được giới siêu giàu ưa chuộng.
Trong ảnh: một góc trung tâm TP.HCM. Ảnh: Vũ Lê
3. Khu trung tâm có an ninh tốt hơn, thuận tiện mọi bề
Có thể nói chắc chắn rằng chuẩn mực an ninh ở trung tâm luôn vượt trội so với ngoại thành và vùng ven nếu không muốn nói là khu vực này luôn được chú trọng an ninh trật tự ở mức cao nhất. Khu trung tâm vốn dĩ là bộ mặt của thành phố nên đương nhiên vấn đề về vệ sinh môi trường cũng được quan tâm hơn. Chẳng hạn, gần như không có chuyện nhà dân ở khu trung tâm nằm cạnh bãi rác hay nhà máy xả thải bừa bãi ra môi trường sống, nhưng nếu là ở ngoại thành, vùng ven thì tình trạng này không hề hiếm. Những khu vực lõi trung tâm cũng hiếm khi bị ngắt điện, nước. Hơn nữa, môi trường làm việc ở khu vực này cũng tốt hơn vì đa phần những công việc đòi hỏi chất xám, lương cao đều tập trung tại đây.
4. Nhà ở trung tâm luôn khan hiếm, được săn lùng
Những bất động sản nằm ở lõi đô thị thường chỉ có số lượng hạn chế với vị thế độc nhất vô nhị. Cũng do không có thêm nguồn cung mới nên nhà ở trung tâm trở thành tài sản có giá trị vượt thời gian. Có thể nói, với rất nhiều người đây chính là loại tài sản trong mơ, là loại nhà luôn ở đỉnh cao trong mọi chu kỳ nóng sốt đối với gần như mọi thị trường bất động sản trên thế giới. Đa số những người thành đạt ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào khi có thật nhiều tiền đều nhắm tới việc sở hữu một ngôi nhà ở trung tâm. Những người ít tiền hơn cũng sẽ tìm cách mua được nhà nhỏ hơn nhưng ở khu trung tâm thay vì phải ngày ngày ngược xuôi tận ngoại ô kém phát triển hơn.
5. Nhà ở trung tâm là suất đầu tư đa năng nhất
Những ngôi nhà càng ở vị trí đặc địa khu lõi đô thị càng hội tụ nhiều ưu điểm vượt trội về giá trị thương mại, khai thác cho thuê, đầu tư, tích lũy tài sản, chống trượt giá... Vì thế có thể xem nhà ở trung tâm là kênh đầu tư đa năng. Ví dụ, căn hộ ở quận 1, TP.HCM dù có giá thuê vô cùng đắt đỏ nhưng vẫn dễ cho thuê hơn nhiều so với các chung cư rẻ hơn ở các quận ngoại thành 9, 12, Thủ Đức...
6. Sở hữu nhà trung tâm là được gắn "mác" đẳng cấp
Không chỉ đơn thuần là một tài sản mà những căn nhà nằm ở lõi trung tâm đô thị còn được coi là món trang sức phản ánh mức độ giàu có, đẳng cấp của chủ sở hữu so với phần còn lại trong xã hội. Sở hữu nhà ở trung tâm thành phố lớn còn được giới siêu giàu coi là bộ sưu tập đặc biệt, có giá trị như một tấm giấy thông hành để có thể gia nhập tầng lớp thượng lưu. Đây cũng chính là lát cắt khá đặc biệt của bất động sản nằm ở khu trung tâm bởi nó có tác động rất mạnh mẽ đến giá trị thương hiệu cá nhân của người sở hữu.