Hỗ trợ đăng tin:
|

Thuật săn đất vàng

Ngày đăng: 17/02/2019
Tin cùng chủ đề:
"Tấc đất - tấc vàng" là quy luật giá trị được các cụ tổng kết từ câu ca dao "Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu".

Đấy mới là đất nông nghiệp - theo bảng giá của nhà nước hiện nay chỉ từ vài chục tới vài trăm nghìn mỗi mét vuông - mà xưa đã được ví ngang vàng. Các cụ có lý. Vì vàng bán đi cũng chỉ cứu đói được vài vụ, nhưng có đất thì no ấm quanh đời.

Nhìn sang đất phi nông nghiệp tại đô thị, giá hiện nay cũng vài triệu tới vài trăm triệu một mét vuông. Với hai siêu đô thị Hà Nội và Tp.HCM, mỗi mét vuông đất tại nhiều khu vực phải tính theo đơn vị tỷ đồng. Người ta vẫn gọi đây là đất vàng của vàng, có người còn gọi đất bạch kim hay quý hơn là kim cương.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng đã tạo dựng sự thịnh vượng của họ bằng "đất vàng", chỉ theo cách khác so với quan niệm về "đất vàng" mà dân Việt Nam đang dùng.

Thế giới hiện có 7 nước công nghiệp phát triển gọi là G7, cũng là các cường quốc tài chính. Khi thực hiện cách mạng công nghiệp, tất cả đều không có vốn. Họ đã làm theo lý thuyết của trường phái kinh tế học cổ điển mà đại diện là Adam Smith và David Ricardo: vốn đầu tư được tích cóp lúc ban đầu từ giá trị của đất công và thuế đất đối với đất tư. Từ đó, tiềm lực tài chính tăng dần từ hiệu quả phát triển công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng chính là nguồn gốc của sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia.

Bên cạnh G7 còn nhóm các nền kinh tế mới như Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan... Họ đi theo lý thuyết của Hernando De Soto: vốn bí ẩn nằm trong đất cần được khơi dậy để tạo tích lũy vốn ban đầu cho đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Cả hai lý thuyết kinh tế học nói trên thực ra không khác nhiều so với ý tưởng "tấc đất - tấc vàng" của các cụ nhà ta. Cái khác là các học giả phương Tây biết đưa ra cách làm cho đất vốn được coi là "vàng thường" trở thành "vàng mười", vàng trắng, kim cương. Và hơn nữa, họ biết cách thu từ đất ngày càng nhiều để nhân vốn đó lên thông qua phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Như vậy, các quốc gia khôn ngoan là các quốc gia biết tích lũy tài chính ban đầu từ giá trị đất đai để phát triển trên chính đôi chân của mình. Con người khôn ngoan cũng là người biết làm giàu từ vàng ẩn trong đất.

GS Đặng Hùng Võ
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường

Trong giờ nghỉ tại hành lang hội thảo về thị trường bất động sản gần đây, tôi có dịp gặp lại một anh bạn vong niên. Nghe nói, anh đã trở thành "đại gia" nhờ đất vàng khoảng chục năm nay. Câu chuyện tại hành lang lúc đầu có bề xã giao, nhưng rồi tính hấp dẫn của thị trường bất động sản nước ta đã làm cho nó trở nên sinh động và thật thà hơn. Sau mấy câu mào đầu, tôi hỏi thẳng: "Làm thế nào mà cậu trở thành đại gia bất động sản trong vòng chỉ vài năm thôi?"

Một thoáng, anh trả lời rằng, muốn nhanh như vậy thì chỉ có một cách duy nhất là điêu luyện trong nghệ thuật săn đất vàng, tức là đất công các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng tại những vị trí vàng ở các đô thị, có giá trị thị trường vô cùng cao. Túm được những con mồi này có thể bằng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có thể bằng sắp xếp lại các cơ sở làm việc, có thể bằng xin giao đất, thuê đất thông qua một dự án đầu tư, cũng có thể bằng đổi đất lấy hạ tầng, vân vân,...

Nói chung là vậy, nhưng mỗi trường hợp cụ thể phải có những thuật khác nhau, thiên biến vạn hóa, không bút nào tả hết được thành sách. Cái kết có hậu là giá đất được quyết định thì không "vàng" nhưng giá thị trường thì "vàng". Phần chênh lệch được phân bổ theo vai trò của từng người trong công vụ.

Chuyện đang vui thì chuông báo hết giờ nghỉ để trở lại hội thảo. Trong phần tiếp theo ngày hôm ấy, tôi vẫn miên man nghĩ về nghệ thuật săn đất vàng ở ta. Bỗng tôi nhớ tới lần đã trao đổi với một giáo sư người Australia về vấn đề đất đai tại các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường.

Ông nói, trong thời kỳ bao cấp, tất cả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nhà máy, công trình... đều là của nhà nước. Khi nhà nước có một chính sách hợp lý thì từ đất đai, công sản đó có thể tạo nên nguồn lực tài chính vô cùng lớn cho đất nước. Chính sách không đúng sẽ làm cho nguồn lực tài chính này chuyển phần lớn vào túi tư nhân. Chính vì vậy mà số lượng tỷ phú chính thức và không chính thức ở các nền kinh tế chuyển đổi tăng nhanh hơn nhiều so với các nước công nghiệp phát triển.

Trên đường về nhà từ hội thảo, tôi vẫn không thoát khỏi tư duy buồn này. Một thời cơ lớn của đất nước mình lại bị lãng phí. Trong thời kỳ bao cấp, nước ta có công nghiệp dệt khá mạnh, quá trình cổ phần hóa đã làm cho các nhà máy dệt biến mất. Đến nay, ta không có công nghiệp dệt vải phụ trợ cho công nghiệp may mặc, dù ngành này đang đóng vai trò chủ lực trong khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Nhiều ngành công nghiệp khác cũng chung cảnh ngộ như vậy.

Đất công từ thời bao cấp như các cửa hàng, kho lương thực, nhà máy, công sở... "giá trị cao hơn vàng" dù hiện diện ở hầu hết các nơi, nhưng nay đã biến hóa, mất mát đi rất nhiều. Luật Đất đai 2013 đã có quy định chi tiết về yêu cầu công khai, minh bạch trong rất nhiều trường hợp, chỉ trừ trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư. Vậy mà, chúng ta vẫn không thể biết được sự thăng trầm của các thửa đất vàng rồi sẽ ra sao? 

Đặng Hùng Võ

(Theo Vnexpress) 

Tin nhiều người đọc
Tin mới nhất

Tin nổi bật

Mẫu Hợp Đồng Thuê Nhà Ở Cá Nhân Đầy Đủ Nhất
Mẫu Hợp Đồng Thuê Nhà Ở Cá Nhân Đầy Đủ Nhất
Để việc thuê nhà giữa bên cho thuê và bên thuê đảm bảo thì cần thực hiện hợp đồng thuê nhà. Vậy Mẫu hợp đồng thuê nhà ở cá nhân mới nhất năm 2023 như thế nào? Cách soạn thảo mẫu hợp đồng ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Chủ đề được quan tâm