Người Vay Mua Nhà Đứng Ngồi Không Yên Vì Lãi Suất Tăng
Tạm gác lại kế hoạch dự kiến trước đó, anh Quyền (quận 6, TP.HCM) gửi số tiền tiết kiệm tính dùng mua nhà vào ngân hàng khi lãi suất huy động tăng mạnh. Trước đó vợ chồng anh đã tích góp gần 6 năm được hơn 1 tỷ đồng và dự tính đi vay thêm tầm 700-800 triệu đồng để mua một căn hộ tại TP.HCM. Anh thay đổi quyết định khi thấy lãi suất ngân hàng liên tục tăng và lo lắng lãi suất vay các năm tới cũng sẽ tăng mạnh. Nếu việc này xảy ra, thu nhập hiện nay của gia đình anh sẽ không cáng đáng nổi mức lời lãi để vay mua nhà.
“Tôi gửi tiền ngân hàng với lãi suất 12 tháng là 7,8% khi chưa biết làm gì với số tiền trên. Với lãi suất trên, 1 năm tôi cũng kiếm được gần 80 triệu đồng, ngang với đầu tư một căn hộ 2PN cho thuê, tính ra vừa an toàn vừa không phải đau đầu suy nghĩ nhiều”, anh Quyền cho hay. Chia sẻ về kế hoạch mua nhà sắp tới, anh cho biết nếu có đi vay cũng chỉ dám vay dưới 500 triệu đồng, còn lại cố gắng nhờ gia đình đỡ đần chứ vay nhiều gánh lãi không nổi.
Nhiều người mua nhà dùng đòn bẩy tài chính đang lo lắng khi lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng.
Không chủ động được như anh Quyền, chị Thu Hiền (quận 7, TP.HCM) đứng ngồi không yên khi thấy lãi suất ngân hàng liên tục tăng. Khoản vay mua nhà của chị đã hết thời hạn ưu đãi lãi suất, sắp tới sẽ thả nổi theo thị trường. Lãi suất huy động tăng làm chị lo lãi vay sẽ tăng theo và chị không kham nổi mức chi phí trên.
“Căn hộ tại TP. Thuận An tôi mua giữa năm ngoái giá 2,3 tỷ đồng, trong đó tiền đi vay là 1,3 tỷ đồng. Tôi từng tính nếu nhận nhà thì cho thuê lấy tiền trả lãi, cay đắng là thời điểm dịch CĐT ngưng xây dựng, gần đây có tái khởi động nhưng tiến độ rất ì ạch. Nếu đúng tiến độ, nhận nhà cho thuê còn có đồng ra đồng vào, giờ tôi phải tính đường bán lại nhưng mãi chưa tìm được khách. Mỗi ngày nhìn lãi suất tăng mỗi cao, có thông tin năm sau sẽ còn tăng tiếp làm tôi như ngồi trên lửa”, chị Hiền chia sẻ.
Thị Trường BĐS Sẽ Có Sự Tự Điều Chỉnh
Ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 1%/năm, tăng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%/năm và tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Ngay sau động thái này là hàng loạt ngân hàng thương mại như VP Bank, NCB, SeA Bank, OCB, Sacombank, VIB cùng điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn lên mức từ 6-6,8%/năm; các kỳ hạn dài hơn lãi suất tăng thêm khoảng 8-9%/năm. Riêng 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank cũng áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 3-6 tháng lên gần 5% và 12 tháng là 7,4%/năm. Như vậy, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tiếp tục lập mặt bằng mới, quay về mức ngang với thời điểm 2014.
Đi vay mua nhà sẽ ngày càng khó khăn khi lãi suất vay dự kiến tăng trong khi tín dụng cho vay mua BĐS vẫn còn bị hạn chế.
Theo giới chuyên gia, việc lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ kéo theo lãi suất vay bị điều chỉnh. Đa số các ngân hàng thường áp dụng mức lãi vay cao hơn lãi suất huy động từ 2,7 - 3%/năm với cùng kỳ hạn. Thậm chí hiện nay có ngân hàng còn có mức chênh lệch lãi vay và huy động lên tới 3,5 - 4%/năm. Dự báo cuối năm nay năm 2023, FED sẽ còn tiếp tục điều chỉnh lãi suất gây sức ép lên kinh tế trong nước, làm chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng nhanh tương ứng. Việc tiếp tục điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng Việt Nam là khó tránh khỏi. Động thái điều chỉnh lãi suất này khiến không chỉ người mua nhà mà cả doanh nghiệp trong ngành BĐS chịu ảnh hưởng. Dòng tiền nhàn rỗi dự báo sẽ chảy mạnh vào ngân hàng, thận trọng hơn khi tham gia mua BĐS. Tín dụng chịu kiểm soát, lãi suất tăng cao cũng làm doanh nghiệp khó huy động vốn, làm chi phí đầu vào tăng.
Dành lời khuyên cho người mua nhà giai đoạn này, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lãi suất huy động tăng sẽ góp phần khiến lãi suất cho vay tăng theo. Trong bối cảnh này, nếu đã đi vay, người mua sẽ chịu tác động tăng lãi suất theo hướng thả nổi. Vậy nên cần tính toán cân đối chi tiêu, xem xét khả năng thanh toán của bản thân, phải tính đến khả năng nếu không trả được nợ có thể bị bán giải chấp tài sản. Phải ưu tiên nghĩa vụ trả nợ lên hàng đầu và tính chuyện thanh khoản bớt các khoản đầu tư kém để tái cấu trúc dòng tiền tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản cao để tránh rủi ro.
Còn với người có ý định mua nhà trả góp, cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay tăng có thể sẽ tác động đến chi phí phát triển và khiến giá nhà tăng theo trong thời gian tới.
Nhưng ở một diễn biến khác, theo ông Ngô Quang Phúc, TGĐ Phú Đông Group, trước áp lực lãi suất gia tăng, thị trường BĐS sẽ có những điều chỉnh phù hợp để duy trì quyền lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Khi dòng vốn vào thị trường địa ốc gặp khó, các chủ đầu tư sẽ phải tìm hướng xoay xở, tăng huy động từ người mua nhà để duy trì dòng tiền hoạt động. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ hành động mạnh tay hơn với các chính sách bán hàng, tăng chiết khấu, ưu đãi ở mức tương đương chi phí đi vay ngân hàng để giảm giá nhà cho người mua. Đây là giải pháp thông minh giúp doanh nghiệp tự giải cứu mình trong bối cảnh dòng vốn tắc nghẽn, còn người mua có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở khi giá mua thực tế giảm. Do đó, những người muốn sở hữu nhà giai đoạn này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi doanh nghiệp chấp nhận cắt lời để giúp khách hàng gánh một phần mức lãi suất gia tăng khi mua nhà.
Liên quan đến những dự báo về thị trường bất động sản năm 2023, vào tháng 12 tới đây, Batdongsan.com.vn sẽ tổ chức Hội nghị BĐS Việt Nam – VRES 2022. Tại Hội nghị, các chuyên gia sẽ đi sâu phân tích những yếu tố bất định từ kinh tế vĩ mô, chính sách, tâm lý người mua bất động sản đến xu hướng đầu tư năm 2023 và đề xuất giải pháp thích ứng.
Phương Uyên
Theo Vietnamnet
https:// thanhnienviet.vn/2022/10/31/nguoi-mua-nha-duoc-va-mat-gi-khi-lai-suat-lien-tuc-tang