Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày, Chính phủ đề xuất thành lập 6 phường thuộc TP. Biên Hòa dựa trên cơ sở đề nghị của tỉnh Đồng Nai là: An Hòa, Hóa An, Hiệp Hoà, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh. Các phường được thành lập dựa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên cũng như quy mô dân số của các xã trên là yêu cầu cấp bách và cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Đồng thời, đây cũng là việc làm phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đã phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình của Chính phủ
tại phiên họp ngày 10/5
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất được thực hiện như sau: Thị trấn Dầu Giây được thành lập trên cơ sở 14,14km2 diện tích tự nhiên và dân số 23.309 người của xã Xuân Thạnh còn lại, sau khi đã thực hiện điều chỉnh địa giới của các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh, Quang Trung. Việc thành lập thị trấn Dầu Giây xuất phát từ thực tế tốc độ đô thị hóa trên địa bàn đang diễn ra mạnh cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các xã dự kiến thành lập thị trấn.
Theo phương án đề xuất của Chính phủ về việc thành lập thị trấn này, sẽ điều chỉnh 4,69km2 diện tích tự nhiên và dân số 13.692 người của xã Bàu Hàm 2 về xã Xuân Thạnh để quản lý. Chuyển 5,43km2 diện tích tự nhiên và dân số 2.300 người của xã Bàu Hàm 2 về xã Hưng Lộc để quản lý. Chuyển 14,07km2 diện tích tự nhiên và dân số 42 người của xã Xuân Thạnh về xã Bàu Hàm 2 để quản lý. Chuyển 8,79km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.266 người của xã Xuân Thạnh về xã Hưng Lộc để quản lý. Chuyển 5,97km2 diện tích tự nhiên và dân số 2.974 người của xã Quang Trung về xã Bàu Hàm 2 để quản lý.
Cùng với đó, sẽ thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch dựa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 18,83km2 và dân số 38.645 người của xã Hiệp Phước. Vị trí của xã Hiệp Phước nằm ở ngay cửa ngõ chính đi vào huyện Nhơn Trạch từ phía Đông, nền kinh tế - xã hội cũng như cơ sở hạ tầng và cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong những năm qua.
Ủy ban Pháp luật sau khi thẩm tra các đề án này đã đánh giá, việc thành lập các thị trấn và các phường thuộc tỉnh Đồng Nai là cần thiết, phù hợp với tình hình quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng cũng như thế mạnh của địa phương.
Đồng thời, Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của các đơn vị hành chính này sau khi thành lập 2 thị trấn và 6 phường vẫn được giữ nguyên về cơ bản vì được nâng nguyên trạng từ các xã. Tuy nhiên, sẽ phát sinh mới 8 đơn vị công an phường và thị trấn là các tổ chức công an chính quy.
Các đề án của Chính phủ cũng cho biết, việc này sẽ không làm tăng thêm biên chế lực lượng công an trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan cần trình đề án làm rõ hơn về việc bố trí lượng biên chế cán bộ, chiến sỹ, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất... của các tổ chức công an sẽ được thành lập sau khi lập 2 thị trấn và 6 phường.
UBTVQH đã tán thành quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai sau khi nghe các báo cáo, nghe đại diện Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai trực tiếp giải trình.